Cách đọc ký hiệu nhạc trống (drum notation) cho người mới chơi
Bạn là tay trống muốn nâng cao kỹ năng? Học ký hiệu nhạc trống giúp bạn khám phá những kỹ thuật mới như kiểu fill (nhịp đệm) và groove (cấu trúc nhịp điệu). Đây là kỹ năng quan trọng cho người mới và nhạc công chuyên nghiệp, đặc biệt khi chuẩn bị thi hoặc chơi theo nhóm.
Trong bài viết này, Việt Thanh Music Center sẽ hướng dẫn bạn các bước cơ bản để đọc ký hiệu nhạc trống, từ vị trí nốt trên khuông nhạc đến các ký hiệu âm nhạc chính. Bạn sẽ tự tin hơn khi đọc và chơi theo bản nhạc trống.
Drum notation là gì?
Ký hiệu nhạc trống (drum notation) là cách biểu diễn các nhịp điệu và âm thanh của bộ trống. Hệ thống khuông nhạc được sử dụng tương tự như sheet nhạc truyền thống, nhưng thay vì là nốt nhạc, các ký hiệu đại diện cho trống và cymbal được thể hiện trên khuông nhạc.
Ký hiệu nhạc trống chủ yếu tập trung vào nhịp điệu, không giống như âm nhạc truyền thống thường chú trọng vào cao độ, nhưng cả hai đều có những điểm tương đồng như đếm phách và ô nhịp.
Mỗi phần trong ký hiệu nhạc trống được phân cách bởi các đường dọc, khoảng giữa chúng được gọi là ô nhịp. Trống bass thường được ghi ở khoảng trống dưới cùng của khuông nhạc, trong khi các cymbal như hi-hat hoặc crash được biểu diễn bằng dấu “X” nằm phía trên khuông.
Nắm vững các ký hiệu này giúp bạn xác định chính xác trống hoặc cymbal nào cần đánh và thời điểm đánh.
Hướng dẫn cách đọc bản nhạc trống (drum sheet)
Ký hiệu và khuông nhạc trống
Ký hiệu nhạc trống được đọc từ trái sang phải, tương tự như sheet nhạc thông thường. Tuy nhiên, thay vì sử dụng nốt nhạc, ký hiệu nhạc trống sử dụng các biểu tượng để đại diện cho các loại trống hoặc cymbal khác nhau. Các ký hiệu này được đặt trên một khuông nhạc gồm 5 dòng và 4 khoảng trống.
Mỗi loại trống trong bộ trống có vị trí riêng trên khuông nhạc. Trống bass được ghi ở khoảng trống dưới cùng, trống snare ở khoảng trống thứ hai từ trên xuống, trống tom sàn và tom thấp nằm ở các khoảng trống phía trên. Các cymbal được ký hiệu bằng dấu “x”, trong đó hi-hat nằm ngay trên khuông nhạc và crash cymbal được ghi ở vị trí cao hơn.
Nhịp và giá trị nốt nhạc trong bản nhạc trống
Ký hiệu nhịp trong ký hiệu nhạc trống được hiển thị bằng hai con số, một ở trên và một ở dưới, nhịp được đặt ở đầu sheet nhạc. Số ở trên cho biết số phách trong mỗi ô nhịp, số ở dưới chỉ loại nốt có giá trị bằng một phách. Ví dụ, trong ký hiệu nhịp 4/4, số “4” ở trên có nghĩa là có bốn phách trong mỗi ô nhịp, trong khi số “4” ở dưới cho biết mỗi phách tương ứng với một nốt đen (quarter note).
Các nốt trong kí hiệu nhạc trống có cấu trúc tương tự như trong sheet nhạc truyền thống – nhưng không thể “giữ” nốt như khi chơi piano. Thay vào đó, các ký hiệu cho biết độ dài âm thanh của trống hoặc cymbal sẽ kéo dài bao lâu (độ kéo dài này gọi là trường độ).
Nốt tròn (whole note) có giá trị bốn phách, nốt trắng (half note) có giá trị hai phách, và nốt đen có giá trị một phách. Các nốt ngắn hơn, như nốt tám và nốt mười sáu, chia phách thành các phần nhỏ hơn.
Dấu lặp trong bản nhạc trống
Dấu lặp chỉ ra thời điểm cần chơi lại một đoạn nhạc. Dấu lặp tiêu chuẩn bao gồm hai dấu chấm nằm trong khuông nhạc, dấu này hướng dẫn bạn trở lại và chơi lại từ một đoạn nhạc đã được chỉ định trước đó, thay vì tiếp tục chơi phần tiếp theo.
Dấu lặp một ô nhịp (one-bar repeat), có hình dạng giống như biểu tượng phần trăm (%), cho biết cần lặp lại ô nhịp ngay trước đó thêm một lần nữa.
Dấu lặp hai ô nhịp (two-bar repeat) có một số “2” nhỏ nằm phía trên, cho biết rằng cần lặp lại hai ô nhịp bạn vừa chơi.
Drum notation và drum tab khác gì nhau?
Drum notation và drum tab đều là cách biểu diễn các phần trống trên giấy, nhưng phục vụ những mục đích khác nhau và phù hợp với từng đối tượng chơi trống khác nhau.
Drum notation là một hệ thống chính thức hơn, tương tự như sheet nhạc, trong đó mỗi ký hiệu đại diện cho một phần cụ thể của bộ trống và thời gian của mỗi phách.
Hệ thống này thường được sử dụng trong các môi trường chuyên nghiệp vì cung cấp hướng dẫn chính xác về những gì cần chơi và khi nào chơi.
Ngược lại, drum tab là phiên bản đơn giản hóa hơn. Sử dụng các dòng ngang và ký tự để chỉ ra các cú đánh trống và nhịp điệu.
Drum tab thường dễ đọc hơn và phổ biến hơn với những người mới bắt đầu hoặc những người chơi trống không chuyên. Tuy nhiên, Drum Tab thiếu đi những sắc thái của ký hiệu truyền thống và có thể không hữu ích cho những buổi biểu diễn chuyên nghiệp.
Các kỹ thuật khi chơi bộ trống
Kỹ thuật đánh trống
Kỹ thuật đánh trống mang lại độ phức tạp và phong cách cho phần trình diễn của bạn.
Một trong những kỹ thuật đánh trống phổ biến nhất là accent, trong đó một nốt nhạc được chơi to hơn những nốt khác, điều này làm nổi bật một nhịp cụ thể trong ô nhịp và tạo thêm nhịp điệu cho âm thanh trống của bạn.
Kỹ thuật cross-stick (hay rim-click) tạo ra âm thanh nhẹ nhàng bằng cách gõ vào vành trống snare bằng dùi trống. Kỹ thuật này thường được sử dụng để thêm phần phong phú cho nhịp điệu mà không làm mất đi sự tinh tế.
Ghost notes là những nốt nhạc nhẹ được chơi rất nhỏ, gần như không nghe thấy rõ, nhằm tạo ra một lớp âm thanh nền, thường được sử dụng để làm tăng chiều sâu và sắc thái cho đoạn nhạc.
Kỹ thuật flams bao gồm hai cú đánh gần nhau, giúp tạo ra âm thanh đầy đặn hơn.
Kỹ thuật drags bao gồm hai cú gõ nhanh trước khi chơi một nốt chính, mang lại âm thanh phong phú và nhịp nhàng.
Kỹ thuật rimshot tạo ra âm thanh sắc nét và lớn bằng cách đánh trúng cả mặt trống và vành trống cùng một lúc.
Kỹ thuật đánh cymbal
Kỹ thuật đánh cymbal giúp làm phong phú thêm âm thanh và cảm xúc cho bản nhạc.
Một kỹ thuật đánh cymbal phổ biến là crash bell, bạn gõ vào chuông của cymbal để tạo ra âm thanh vang và sắc nét. Nếu muốn có âm thanh lớn hơn, bạn có thể sử dụng phần đầu dùi trống để đánh.
Để thực hiện kỹ thuật choke crash bạn đánh vào cymbal crash và ngay lập tức dùng tay giữ lại để làm tắt tiếng cymbal crash, điều này tạo ra một âm thanh ngắn và sắc nét.
Kỹ thuật splash cymbal mang đến một âm thanh nhanh, rất phù hợp cho những đoạn nhạc nhẹ nhàng.
Với Hi-hat, bạn có thể lựa chọn giữa kỹ thuật mở và đóng. Hi-hat mở được chơi bằng cách nhả pedal, cho phép cymbal rung tự do, tạo ra âm thanh nhẹ nhàng và lan tỏa. Trong khi đó, Hi-hat đóng được tạo ra bằng cách nhấn pedal xuống, mang đến âm thanh rõ ràng và được kiểm soát tốt hơn.
Kỹ thuật gõ nhịp (roll) trống
Khi học cách đọc các kỹ thuật gõ nhịp trong bản nhạc trống, bạn sẽ gặp nhiều loại khác nhau.
Open roll được thực hiện bằng cách nhanh hai nốt với mỗi tay, tạo ra một nhịp điệu rõ ràng và kéo dài. Đây là một trong những kỹ thuật cơ bản nhất được sử dụng trong nhiều thể loại âm nhạc khác nhau.
Buzz roll, hay còn gọi là closed roll, là kỹ thuật đánh trống bằng cách, để dùi trống nảy nhanh trên mặt trống, tạo ra âm thanh liên tục và mượt mà. Một phiên bản mạnh mẽ hơn là crushed buzz roll, trong đó các cú đánh được thực hiện rất gần nhau, tạo ra âm thanh dày hơn.
Mẹo hay để đọc kí hiệu nhạc trống
Làm chủ từng phần trước khi chuyển sang phần khác
Ban đầu, việc muốn đọc toàn bộ bản nhạc trống là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên bạn nên tập trung vào từng phần riêng lẻ. Điều này giúp bạn nắm vững từng ô nhịp và giảm thiểu lỗi khi chơi cả bản nhạc.
Luyện tập theo từng phần cũng sẽ giúp bạn nhanh nhạy hơn trong việc nhận diện các ký hiệu và dần xây dựng sự tự tin. Khi đã quen tay với một phần, bạn có thể chuyển sang phần tiếp theo một cách tự tin hơn.
Làm quen với ký hiệu nhạc trống
Trong quá trình tập từng đoạn nhỏ, hãy dành thời gian để làm quen với các ký hiệu nhạc trống và vị trí trên khuông nhạc. Việc ghi nhớ sẽ giúp bạn tự tin đọc cả bản nhạc mà không bị gián đoạn.
Bắt đầu từ các ký hiệu phổ biến nhất như bass, snare, hi-hat. Khi đã nắm vững, bạn có thể chuyển sang những ký hiệu phức tạp hơn khi kỹ năng đã nâng cao. Đặc biệt, lưu ý các ký hiệu cho những kỹ thuật như ghost note, accent, hoặc rimshot, vì các kỹ thuật này tạo thêm sự phong phú và điểm nhấn cho bài đánh.
Ghost note thường nhỏ hơn để báo hiệu đánh nhẹ, trong khi accent có ký hiệu phía trên để hướng dẫn bạn nhấn mạnh hơn.
Tập đếm nhịp thành tiếng
Nhịp điệu là ‘xương sống’ của âm nhạc trống. Việc đọc đúng nốt sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn không nắm được thời gian chính xác.
Đếm nhịp thành tiếng giúp bạn ghi nhớ giá trị nốt và khoảng nghỉ. Bắt đầu với các nốt đen đơn giản – đây là loại nhịp phổ biến nhất – rồi dần dần tiến tới các nhịp phức tạp hơn như bộ ba (triplets) hay các mẫu syncopated.
Đếm to giúp bạn nắm chắc nhịp và rèn luyện cảm giác về thời gian. Điều này đặc biệt hữu ích khi gặp những mẫu nhịp lạ hoặc các ký hiệu nhịp khó, giúp bạn làm quen với nhịp điệu mới.
Ví dụ, khi chơi nhịp 4/4, đếm “1 và 2 và 3 và 4” để giữ nhịp đều đặn. Với các ký hiệu nhịp phức tạp hơn, cũng đếm tương tự để chia nhỏ nhịp. Kỹ thuật này giúp bạn đồng bộ hóa những gì thấy trên bản nhạc với những gì cần đánh, giúp duy trì nhịp và kết nối chặt chẽ với các thành viên trong ban nhạc.
Chơi cùng máy đếm nhịp
Khi đọc bản nhạc trống, việc giữ đúng thời gian là yếu tố then chốt. Sử dụng máy đếm nhịp giúp bạn duy trì tốc độ đều đặn và nhịp điệu ổn định. Ban đầu, hãy tập với tốc độ chậm để đảm bảo từng nốt được đánh chính xác. Khi quen dần, bạn có thể tăng tốc độ.
Máy đếm nhịp giúp bạn không bị cuốn theo nhịp quá nhanh hay quá chậm, đặc biệt khi gặp những nhịp phức tạp.
Chia nhịp phức tạp thành những phần nhỏ
Khi gặp phải một nhịp phức tạp, hãy chia thành các phần nhỏ hơn. Tập trung vào vài nhịp hoặc chỉ một ô nhạc mỗi lần. Nếu có các kiểu nhịp lệch (syncopation) hoặc đa nhịp (polyrhythms), bạn có thể tách riêng tay và chân để hiểu cách từng phần phối hợp với nhau. Phương pháp này sẽ giúp bạn dễ chơi những đoạn khó.
Khi đã làm chủ được từng phần nhỏ, hãy ghép chúng lại với nhau để chơi nguyên đoạn. Lúc này, bạn cần phải chơi chính xác – khi đã chơi đúng ở tốc độ chậm, bạn có thể tăng dần tốc độ cho đến khi đạt được nhịp độ bài hát. Cách này giúp bạn luyện tập sự kiểm soát và sức bền mà không làm giảm chất lượng khi chơi.
Phụ kiện trống cần thiết
Một buổi luyện tập hiệu quả không chỉ phụ thuộc vào bộ trống của bạn. Các phụ kiện phù hợp có thể tạo ra sự khác biệt lớn, giúp bạn tiến bộ nhanh chóng và hiệu quả hơn. Dưới đây là một số phụ kiện trống cần thiết để cải thiện buổi luyện tập của bạn.
Dùi trống
Việc đầu tư vào một cặp dùi trống tốt giúp nâng cao trải nghiệm chơi trống của bạn. Dùi trống nhẹ là lựa chọn lý tưởng cho người mới bắt đầu, vì dễ điều khiển và giúp giảm mệt mỏi trong những buổi luyện tập kéo dài.
Hãy chọn những cặp dùi có độ bám tốt và trọng lượng cân bằng. Các lựa chọn có lớp cao su phủ hoặc thiết kế công thái học sẽ giúp ngăn trượt tay và tạo cảm giác thoải mái hơn khi luyện tập trong thời gian dài.
Bịt tai
Việc tiếp xúc thường xuyên với âm thanh lớn từ trống có thể gây hại cho thính giác. Một cặp bịt tai hoặc tai nghe chống ồn sẽ giúp bảo vệ tai bạn trong suốt buổi luyện tập dài.
Giá đỡ dùi trống
Giá đỡ dùi trống là một phụ kiện nhỏ nhưng rất hữu ích, giúp bạn dễ dàng lấy dùi khi cần, có thể gắn trực tiếp vào bộ trống hoặc đeo trên thắt lưng.
Ghế ngồi chơi trống
Một chiếc ghế ngồi chơi trống thoải mái và có thể điều chỉnh độ cao là rất quan trọng, vì giúp duy trì tư thế đúng khi chơi. Một chiếc ghế chắc chắn sẽ hỗ trợ lưng dưới và giúp bạn giữ thăng bằng, giảm mỏi, đặc biệt là trong những buổi luyện tập kéo dài.
Câu hỏi thường gặp
Đoạn trống roll kí hiệu là gì?
Một đoạn trống roll được kí hiệu bằng dấu chéo hoặc hai dấu chéo qua thân nốt. Điều này chỉ ra rằng nốt trống cần được đánh liên tục.
Làm sao để đếm nhịp trong kí hiệu nhạc trống?
Để đếm nhịp trong kí hiệu nhạc trống, bạn cần nhìn vào chỉ số thời gian (time signature). Số trên cho biết số nhịp trong mỗi ô nhịp, trong khi số dưới chỉ ra giá trị của mỗi nhịp.
Chữ Z trong kí hiệu trống có nghĩa là gì?
Chữ Z trong kí hiệu nhạc trống biểu thị kỹ thuật “buzz stroke”. Đây là kỹ thuật tạo ra rung động nhanh trên mặt trống. Kỹ thuật này thường được sử dụng trong các đoạn roll hoặc các kết cấu nhịp điệu.
Kết luận
Việc hiểu và làm quen với các ký hiệu trong bản nhạc trống là bước quan trọng để nâng cao kỹ năng chơi trống. Khi nắm vững cách đọc các ký hiệu nhịp điệu, kỹ thuật như trống roll hay các ký hiệu đặc biệt như “buzz” hay “rimshot”, bạn sẽ chơi trống chính xác và tự tin hơn. Hãy luyện tập từng phần một, từ những kỹ thuật cơ bản đến các đoạn nhịp phức tạp để tiến bộ. Đồng thời, đừng quên sử dụng các phụ kiện hỗ trợ như giá để dùi trống, ghế trống và bịt tai để đảm bảo buổi luyện tập hiệu quả và an toàn cho sức khỏe.
Chưa có bình luận nào !